Chuyên trang đào tạo & Tuyển sinh - HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN

phone_iphone 024.3745.6963 máy lẻ 804

Trang đào tạo & Tuyển sinh
HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN

Nhu cầu của sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền về không gian thư viện

Hoạt động 21-07-2021 2051 lượt xem

Không gian thư viện mở là nhu cầu khái quát được nhiều sinh viên lựa chọn nhất trong số 300 sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền được hỏi trong cuộc khảo sát

Đối với một trường đại học, thư viện là nơi mà sinh viên thường tới để tìm kiếm tài liệu, học tập, nghiên cứu hay thảo luận, làm bài tập nhóm. Để phục vụ nhu cầu đọc ngày càng đa dạng của xã hội, các không gian đọc cũng dần được cải thiện, đổi mới và ngày càng mang tính sáng tạo. Thay vì tập trung cung cấp nguồn tài liệu, không gian đọc ngày nay còn chú ý đến sự tiện ích và thoải mái cho người sử dụng. Có nhiều thư viện trường học hiện nay cũng thay đổi để trở nên hiện đại hơn, cố gắng để không đem lại cảm giác gò bó cho người sử dụng. Để nắm được nguyện vọng của sinh viên đối với không gian đọc của thư viện nhằm đưa ra những giải pháp giúp thư viện nhà trường cải thiện và thu hút nhiều sinh viên tới học tập và nghiên cứu, đề tài đã tiến hành điều tra 300 sinh viên (từ năm thứ hai đến năm thứ tư) của Học viện Báo chí và Tuyên truyền (BC&TT) trong năm 2018 nhằm tìm hiểu những nhu cầu của sinh viên với không gian thư viện nhà trường, bao gồm cách bố trí phòng đọc, trang trí khuôn viên thư viện.... Ngoài ra, nghiên cứu cũng tìm hiểu nhu cầu của sinh viên đối với không gian đọc bên ngoài thư viện, cụ thể là sân trường, tiền sảnh của các khu giảng đường, các hàng ghế trong sân trường.

1. Nhu cầu của sinh viên đối với không gian phòng đọc chung của thư viện nhà trường

Theo chia sẻ của cán bộ Trung tâm Thông tin khoa học, Học viện BC&TT, hiện nay nhà trường đang xây dựng một đề án xây dựng thư viện hiện đại chuẩn quốc tế, tập trung vào nguồn tài liệu, chủ yếu là tài liệu số bằng cách mua các đường link, hoặc liên kết với các thư viện trong và ngoài nước. Về quy mô không gian thư viện, dự kiến có thể sẽ tăng thêm hai tầng và chú trọng đến không gian hoạt động chung, nghĩa là mở cửa hoàn toàn, không giới hạn không gian đọc trong các phòng mà mở phạm vi ra sảnh và hành lang thư viện, có hệ thống cổng từ, lựa chọn những bộ bàn ghế phù hợp, cảm giác thoải mái. Hiện nay, tại thư viện Học viện BC&TT, các phòng đọc chung bao gồm Phòng đọc mở, Phòng đọc báo, tạp chí và Phòng mượn tự chọn.

Để góp phần đưa ra những khuyến nghị trong việc thay đổi, cải thiện chất lượng phòng đọc chung của thư viện nhà trường, cần tìm hiểu nhu cầu của sinh viên đối với cách thức trang trí phòng đọc, cách kết hợp các loại bàn ghế, đèn chiếu sáng phòng đọc, chất lượng cấu hình hệ thống máy tính thư viện, hệ thống tài liệu số hóa, thái độ giao tiếp của cán bộ thư viện.

Yếu tố mà sinh viên cảm thấy cần phải thay đổi nhất chính là hệ thống tài liệu số hóa (26,7%). Trong thời đại hiện nay, tài liệu số hóa đem lại rất nhiều sự tiện lợi cho sinh viên, vì chỉ cần tạo một tài khoản trên trang thư viện điện tử, người học có thể truy cập nguồn tài liệu số ở bất cứ đâu. Việc thắt chặt bản quyền tác giả đối với sản phẩm trí tuệ nói chung và các loại tài liệu nói riêng cũng tạo ra không ít khó khăn cho hệ thống thư viện các trường học. Bởi vậy, nguồn tài liệu số hóa vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, thư viện nhà trường vẫn đang không ngừng cố gắng để có thể bổ sung tối đa nguồn tài liệu số.

Bên cạnh đó, 21,7% sinh viên cũng quan tâm đến cách thức trang trí phòng đọc. Hiện nay, có rất nhiều trường đại học có hệ thống phòng đọc được trang trí bắt mắt như thư viện Đại học RMIT, Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh,… Tiếp theo đó, có 19% sinh viên quan tâm đến việc thay đổi chất lượng cấu hình hệ thống máy tính thư viện. Như đã đề cập ở trên, có 33,7% sinh viên chưa từng sử dụng hệ thống máy tính thư viện. Nếu như hệ thống máy tính được nâng cấp với cấu hình mạnh hơn, sẽ thuận lợi hơn cho sinh viên. Có 15,2% sinh viên mong muốn có sự cải thiện trong thái độ giao tiếp của cán bộ thư viện. Ngoài ra, cách kết hợp các loại bàn ghế sao cho bắt mắt và thoải mái, cùng với hệ thống đèn chiếu sáng cũng được một tỷ lệ nhỏ sinh viên quan tâm và mong muốn được cải thiện.

2. Nhu cầu về cách thức trang trí trong không gian thư viện

Các phòng đọc chung của thư viện Học viện BC&TT bao gồm Phòng đọc mở và Phòng đọc tự chọn. Trước đây, kho tài liệu của thư viện nằm tách biệt so với phòng đọc, nhưng hiện nay, tài liệu đã được chuyển vào trong phòng đọc, thuận tiện hơn rất nhiều cho sinh viên và cán bộ thủ thư. Vì vậy, nếu có thể sử dụng chính những giá sách hay bàn ghế trong phòng đọc như những loại hình trang trí sẽ vừa tạo nên sự bắt mắt, sáng tạo cho phòng đọc, lại vừa có giá trị sử dụng cao như một số trường đại học trong nước và quốc tế đã làm.

Hiện nay, thư viện một số trường đại học ở Việt Nam có phòng đọc chung được bài trí rất độc đáo với không gian cho các dịch vụ thông tin gồm các quầy thông tin, khu vực trưng bày tài liệu mới, khu vực sử dụng máy tính, các điểm truy cập nhanh, các trạm in ấn đa chức năng, trạm mượn sách tự động, quầy báo, tạp chí được tạo hình tròn từng các kệ, chỗ ngồi thuận tiện cho sinh viên vừa đọc vừa lựa chọn ấn phẩm, ghế ngồi đọc sách có nhiều kiểu dáng khác nhau được đặt ở những vị trí nhiều ánh sáng tự nhiên. Ngoài ra, các mảng tường trong thư viện này còn được sơn màu sắc bắt mắt cùng với tranh ảnh trang trí.

Phòng đọc mở của thư viện Học viện BC&TT bao gồm phòng đọc mở và phòng đọc báo, tạp chí. Về cơ bản, cách bài trí bàn ghế của hai phòng đọc này khá giống nhau với những dãy bàn dài và ghế đơn xung quanh. Những tiện nghi trong hai phòng đọc này cũng đáp ứng nhu cầu cơ bản của sinh viên như chỗ ngồi, quạt, điều hòa, đèn chiếu sáng, hệ thống máy tính. Tuy nhiên, nếu có thể thay đổi cách bài trí phòng đọc bắt mắt hơn thì sẽ tạo được nhiều hứng khởi hơn cho sinh viên, thu hút sinh viên đến thư viện học tập nhiều hơn.

Loại bàn được sinh viên mong đợi nhất trong phòng đọc chung là bàn liền có ngăn ô với tỷ lệ lựa chọn là 53,8%, loại bàn này được sử dụng chủ yếu ở các văn phòng làm việc và cũng được dùng ở một số thư viện như thư viện Đại học Thăng Long, nhằm tạo ra khoảng riêng tư cho người đọc, giúp tăng sự tập trung. Loại bàn ghế được yêu thích thứ hai là bàn tròn cho 10 người trở lên, số lượng ghế ngồi theo bàn với tỷ lệ lựa chọn là 47,7%. Loại bàn này tuy tốn diện tích nhưng sẽ thích hợp cho những nhóm sinh viên cùng lên thư viện để làm bài tập, thuận tiện trao đổi trong điều kiện nhà trường chưa có không gian riêng dành cho việc thảo luận nhóm. Các loại bàn dài cho 10 người trở lên, số lượng ghế ngồi theo bàn cũng được 40,7% sinh viên lựa chọn. Loại bàn này cũng đã được sử dụng trong thư viện Học viện BC&TT nên khá quen thuộc với sinh viên. Ngoài ra các loại bàn tròn cho 2-4 người cũng được 35,7% sinh viên lựa chọn, loại bàn này đã được dùng ở thư viện Đại học FPT và thư viện Đại học RMIT, khiến cho không gian phòng đọc rất bắt mắt. Các loại bàn dài cho từ 2-4 người có tỷ lệ lựa chọn thấp hơn là 19,7%. Như vậy, dù là phòng đọc chung, nhưng phần lớn sinh viên vẫn thích loại bàn và cách phân chia chỗ ngồi đem lại sự riêng tư, thoải mái và giúp cho khả năng tập trung cao hơn.

Ngoài những vật dụng cơ bản như giá sách, đèn, bàn ghế,... các thư viện đại học hiện đại cũng có những cách thức trang trí mang phong cách trẻ trung, cuốn hút như các mảng tường nhiều màu sắc, cây cảnh, tranh ảnh,... Nghiên cứu đã đề ra một số vật dụng trang trí thường thấy tại các thư viện đại học và để sinh viên đánh giá mức độ ưu tiên, với mức độ ưu tiên cao nhất là 1.

Phương án trang trí bằng bồn hoa, cây cảnh được nhiều sinh viên lựa chọn nhất với tỷ lệ 29%. Đây là phương án thân thiện với môi trường và cũng đang rất thiếu trong không gian phòng đọc của nhà trường. Phương án được ưu tiên nhiều thứ hai là trang trí bằng các kệ sách nhiều hình khối, màu sắc với tỷ lệ 24,3% sinh viên lựa chọn. Cách trang trí mới lạ này đã được áp dụng ở rất nhiều trường đại học tại Việt Nam hiện nay như Đại học RMIT, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và được sinh viên rất yêu thích. Tuy nhiên, cách trang trí này sẽ đòi hỏi sự đầu tư tài chính đáng kể.

Loại hình trang trí được ưu tiên thứ ba với tỷ lệ lựa chọn 20,7% là trang trí bằng tranh/các tác phẩm ảnh của sinh viên. Cách trang trí này không chỉ giúp cho không gian phòng đọc trở nên nhiều màu sắc hơn, bắt mắt hơn mà còn như một cách thể hiện sự trân trọng với những tác phẩm sáng tạo của sinh viên, khơi dậy tiềm năng sáng tạo và ý thức đóng góp vì mục đích chung của những sinh viên khác. Ngoài ra, cách trang trí này cũng sẽ giúp thư viện trở thành không gian không chỉ cung cấp tri thức mà còn là nơi lưu giữ kỷ niệm, dấu ấn đặc sắc của những thế hệ sinh viên từng học tập tại Học viện. Cách trang trí bằng các mảng tường màu sắc rực rỡ cũng được khá nhiều thư viện trường đại học sáng tạo để đem lại sự trẻ trung, phù hợp với đối tượng người sử dụng là sinh viên. Nếu như có thể hiện thực hóa được những phương án trang trí thư viện, hoạt động lên ý tưởng và thực hiện sẽ là rất phù hợp khi được giao cho Đoàn Thanh niên Học viện.

Theo trao đổi với cán bộ thư viện, thay đổi cách thức trang trí phòng đọc trẻ trung, màu sắc hơn cũng là điều mà thư viện nhà trường muốn hướng đến trong thời gian sắp tới. Những thay đổi này có thể đến từ các loại hình bàn ghế, các loại kệ sách, cách phối hợp màu sắc trong không gian phòng đọc để phù hợp với lứa tuổi thanh niên, để sinh viên cảm thấy thoải mái nhất. Cách thức trang trí không gian phòng đọc sẽ không theo mô hình của một thư viện nào, vì đặc thù của mỗi trường là khác nhau. Do đó, Ban lãnh đạo thư viện Học viện BC&TT chỉ học tập theo cách mà các trường đã xây dựng thư viện hiện đại để áp dụng vào thực tế của thư viện nhà trường.

3. Nhu cầu về không gian thảo luận nhóm tại thư viện nhà trường

Không gian thảo luận nhóm cũng là một trong những yếu tố mở rộng trong tương lai. Sinh viên đến với thư viện không chỉ để tìm tài liệu mà còn phải trao đổi và thảo luận thông tin dựa trên việc đọc tài liệu tại thư viện. Theo kết quả khảo sát, mục đích sử dụng thư viện của sinh viên chủ yếu là tìm kiếm tài liệu phục vụ học tập và thảo luận, làm bài tập nhóm. Cùng với đó, Trung tâm Thông tin thư viện nhà trường cũng có kế hoạch mở ra phòng thảo luận nhóm, dành riêng không gian cho sinh viên thảo luận và làm bài tập nhóm. Vì vậy, nghiên cứu đã khảo sát nhu cầu của sinh viên đối với không gian học nhóm nếu có. Đây có thể sẽ là những ý tưởng cho việc bài trí trong không gian dành cho học nhóm của thư viện nhà trường.

Điều sinh viên mong đợi nhất ở không gian học nhóm đó là có lắp đặt hệ thống wifi, tỷ lệ lựa chọn là 39,3%; tiếp theo đó là không gian tách biệt khỏi khu vực đọc tập trung với 36,3%. Có thể thấy, nhu cầu đối với một không gian riêng dành cho việc học nhóm là khá cao, vì việc học nhóm cần phải có sự trao đổi, thảo luận nên khó tránh khỏi việc phá vỡ sự yên tĩnh trong phòng đọc, làm ảnh hưởng đến những người xung quanh. Thêm vào đó, sinh viên rất mong muốn khu vực học nhóm sẽ có hệ thống wifi để tiện truy cập Internet tra cứu thông tin. Tỷ lệ sinh viên mong muốn có hệ thống máy tính trong phòng học nhóm thấp hơn so với hai nhóm trên do hiện nay máy tính cá nhân được sinh viên sử dụng khá nhiều, ít nhất mỗi nhóm đều có máy tính cá nhân. Hiện nay, một số trường đại học ở Việt Nam cũng có không gian riêng dành cho học nhóm và luyện tập thuyết trình bài tập nhóm, điển hình là trường Đại học Tôn Đức Thắng. Trong thời gian tới, thư viện Học viện BC&TT cũng đang được cân nhắc về việc mở thêm không gian học nhóm cho sinh viên.

Không gian riêng dành cho việc thảo luận nhóm cũng là một trong những điều không chỉ có sinh viên, mà Ban lãnh đạo thư viện nhà trường rất mong muốn. Theo ý kiến của cán bộ thư viện, Học viện, những phòng học với diện tích đủ cho 2 - 3 nhóm /phòng, sử dụng bàn tròn, và sinh viên được phép mượn tài liệu từ phòng đọc mang sang phòng học nhóm, sẽ giải quyết được nhu cầu học nhóm cho sinh viên. Tuy nhiên với điều kiện hiện tại, cả về diện tích không gian và kinh phí, tạm thời nhà trường chưa thể đáp ứng được. Do đó, nếu như thư viện của Học viện có thể triển khai không gian dành cho thảo luận nhóm, có thể dựa trên những nhu cầu của sinh viên để sắp xếp và đưa vào đó những tiện ích phù hợp.

4. Nhu cầu của sinh viên về không gian đọc ngoài sân trường

Không gian đọc không nên chỉ giới hạn trong phạm vi các phòng đọc của thư viện, bởi vì mặc dù hệ thống ánh sáng được trang bị đầy đủ, nhưng việc sử dụng ánh sáng tự nhiên rất tốt cho sức khỏe của con người. Tại rất nhiều trường đại học trên thế giới, bên cạnh thư viện nhà trường, họ cũng tạo ra những khuôn viên bên ngoài sân trường để sinh viên đọc sách hoặc thảo luận nhóm. Loại hình không gian đọc mở này đặc biệt phổ biến ở các trường đại học phương Tây và nó chỉ đơn giản là các vườn cây hay thảm cỏ trong khuôn viên nhà trường. Hiện nay, ở Việt Nam cũng có một số trường đại học sử dụng không gian vườn hoa bên cạnh thư viện để làm không gian đọc mở cho sinh viên, điển hình như thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội.

Có 66,3% sinh viên có nhu cầu đối với không gian đọc ngoài sân trường và 33,7% sinh viên không có nhu cầu đối với không gian đọc ngoài sân trường. Rõ ràng, sinh viên có nhu cầu với một không gian mở và thoải mái hơn. Trong khuôn viên tòa nhà thư viện, sinh viên được yêu cầu giữ trật tự, tôn trọng sự yên tĩnh. Vậy nên một không gian đọc mở sẽ giúp sinh viên cảm thấy thoải mái hơn. Tuy nhiên, để có thể triển khai loại hình không gian đọc này đòi hỏi sự chặt chẽ trong công tác quản lý tài liệu của thư viện. Tuy nhiên, cũng có những sinh viên cảm thấy không gian đọc ngoài sân trường không cần thiết và đưa ra lý giải như sau: “Em thích không gian khép kín hơn, như thế không bị tác động nhiều từ bên ngoài. Ví dụ như chúng em trao đổi bàn luận nhưng có người đi qua lại hay để ý, hoặc phải nói to hơn vì ở trong không gian rộng”(Nữ, sinh viên năm thứ 4).

Đổi mới không gian thư viện theo hướng hiện đại, tiện nghi, kích thích sự sáng tạo và cảm giác thoải mái cho sinh viên là cần thiết. Sinh viên cũng có nhu cầu cao đối với không gian dành riêng cho việc thảo luận nhóm. Hơn nữa, phòng thảo luận nhóm nên được trang bị wifi phục vụ việc tra cứu tài liệu. Ngoài ra, còn một sự thay đổi khác rất được sinh viên mong đợi, đó là thư viện có thêm không gian đọc ngoài trời. Có thể thấy mô hình này rất phổ biến ở các trường đại học nước ngoài và một số đại học tại Việt Nam. Mô hình không gian đọc này vừa tận dụng được ánh sáng tự nhiên vừa đem lại sự thoải mái cho sinh viên. Bởi vậy, nếu thư viện nhà trường có thể mở rộng phạm vi ra một không gian ngoài trời thì sẽ rất thu hút sinh viên./.