Chuyên trang đào tạo & Tuyển sinh - HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN

phone_iphone 024.3745.6963 máy lẻ 804

Trang đào tạo & Tuyển sinh
HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN

Đề án tự chủ tuyển sinh đại học chính quy năm 2016

Đại học 09-05-2016 697 lượt xem

HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA

HỒ CHÍ MINH

HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN

Số:1227/ĐA-HVBCTT-ĐT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

                       Hà Nội, ngày 15 tháng 4 năm 2016       

 

ĐỀ ÁN TỰ CHỦ TUYỂN SINH

ĐẠI HỌC CHÍNH QUY TẬP TRUNG NĂM 2016

 

1. MỤC ĐÍCH VÀ NGUYÊN TẮC LỰA CHỌN PHƯƠNG ÁN TUYỂN SINH

1.1. Mục đích

- Thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;

- Học viện tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc lựa chọn phương thức tuyển sinh phù hợp với đặc thù của trường;

- Tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh tham gia xét tuyển và tăng cơ hội cho các thí sinh có năng lực phù hợp, có nguyện vọng, mong muốn vào học các ngành đào tạo của trường;

- Nâng cao chất lượng đầu vào, đảm bảo tuyển chọn đúng thí sinh có đủ năng lực hoàn thành có chất lượng mục tiêu đào tạo của nhà trường, từ đó, hiện thực hóa các chuẩn đầu ra của các ngành đào tạo, đáp ứng nhu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế.

1.2. Căn cứ pháp lý xây dựng Đề án

- Luật Giáo dục số 38/2005/QH11, Luật Giáo dục số 44/2009/QH12 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục số 38/2005/QH11;

- Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 ngày 18/6/2012;

- Nghị định số 141/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học;

- Thông tư số 03/2015/TT-BGDĐT ngày 26/02/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh Đại học, Cao đẳng hệ chính quy năm 2015;

- Thông tư số 32/2015-BGDĐT ngày 16/12/2015 về xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với cơ sở giáo dục đại học;

- Công văn số 525/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 03/02/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia về tuyển sinh Hệ Đại học, Cao đẳng năm 2016 ;

- Công văn số 582/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 17/02/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc rà soát thông tin tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2016;

- Thông tư số 03/2016/TT-BGDĐT ngày 14/03/2016 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 03/2015/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 02 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- Công văn số 981/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 15/03/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Hướng dẫn tổ chức công tác tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2016.

1.3. Nguyên tắc lựa chọn phương án tuyển sinh

- Đảm bảo các nguyên tắc về tuyển sinh theo quy định hiện hành và các quy định tại Điều 34, Luật Giáo dục Đại học năm 2012.

- Đảm bảo lộ trình đổi mới công tác tuyển sinh và tuân thủ các Thông tư và văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch.

- Đảm bảo chất lượng và chỉ tiêu tuyển sinh đối với các ngành đào tạo.

2. PHƯƠNG ÁN TUYỂN SINH

2.1. Phương thức tuyển sinh

2.1.1. Tiêu chí xét tuyển

2.1.1.1. Học viện xét tuyển theo 4 nhóm ngành

- Nhóm 1: ngành Báo chí;

- Nhóm 2 gồm các ngành: Triết học, Kinh tế, Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước, Chính trị học, Xuất bản, Xã hội học, Công tác xã hội;

- Nhóm 3: ngành Lịch sử;

- Nhóm 4 gồm các ngành: Quan hệ quốc tế, Quan hệ công chúng, Quảng cáo, Ngôn ngữ Anh.

Trong từng nhóm ngành, Học viện quy định môn bắt buộc và môn tự chọn để xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia. Riêng nhóm 1 (ngành Báo chí) tổ chức thi bổ sung môn: Năng khiếu báo chí.

Môn bắt buộc và môn tự chọn để xét tuyển, căn cứ kết quả thi THPT quốc gia được quy định cho từng nhóm ngành như sau:

Nhóm ngành

Môn bắt buộc (A)

Môn tự chọn (B) (chọn 1 trong các môn dưới đây)

Môn Năng khiếu (C)

Điểm xét tuyển

1

Ngữ văn

Toán, Lịch sử, Tiếng Anh

Năng khiếu báo chí

A + B + C

2

Ngữ văn + Toán

Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh

-

A + B

3

Ngữ văn + Lịch sử

Địa lý, Toán, Tiếng Anh

-

A + B

4

Ngữ văn + TIẾNG ANH (hệ số 2)

Toán, Lịch sử, Địa lý

-

A + B

 

2.1.1.2. Điều kiện nộp hồ sơ

Thí sinh tham dự xét tuyển vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền cần đáp ứng các điều kiện sau:

- Có kết quả xếp loại học lực từng năm học trong 3 năm Trung học phổ thông đạt 6,0 trở lên;

- Hạnh kiểm 3 năm Trung học phổ thông xếp loại Khá trở lên;

2.1.1.3. Thi môn Năng khiếu tại trường:

Bài thi Năng khiếu báo chí gồm 2 phần:

- Phần thứ nhất(3 điểm): Tất cả thí sinh dự thi ngành Báo chí làm Bài thi trắc nghiệm gồm 30 câu hỏi, thời gian làm bài 30 phút: kiểm tra hiểu biết chung (nội dung đề thi nằm trong các môn học Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn của chương trình Trung học phổ thông, chủ yếu là lớp 12).

- Phần thứ hai(7 điểm):

+ Đối với thí sinh dự thi chuyên ngành Quay phim truyền hình, Ảnh báo chí:

(1) Xem hình ảnh (ảnh chụp, video clip) và viết bình luận không quá 500 chữ về hình thức, kỹ thuật, nội dung hình ảnh được xem, thời gian 30 phút(3 điểm);

(2) Trả lời phỏng vấn trực tiếp để thể hiện hiểu biết về lĩnh vực quay phim truyền hình, ảnh báo chí; kiến thức về tạo hình và bố cục, tư duy hình ảnh; ý tưởng sáng tạo, khả năng giao tiếp…(4 điểm)

+ Đối với thí sinh dự tuyển các chuyên ngành khác của ngành Báo chí: làm bài thi tự luận gồm 2 câu hỏi (thời gian làm bài 120 phút):

Câu 1 (3 điểm): Đánh giá năng lực xử lý, biểu đạt thông tin và sử dụng ngôn ngữ trong xây dựng, hoàn thiện văn bản. Dạng thức đề thi có thể là: cung cấp một văn bản báo chí có lỗi sai (về quan điểm chính trị, cấu trúc văn bản, về tính logic, về văn phong, về cách sử dụng ngôn từ…) yêu cầu thí sinh sửa chữa và hoàn thiện văn bản theo cách của mình.

Câu 2 (4 điểm): Đánh giá năng lực phát hiện vấn đề và thể hiện quan điểm cá nhân. Dạng thức đề thi có thể là: cung cấp thông tin về một vấn đề, một sự kiện, yêu cầu thí sinh viết một bài luận tối đa 500 từ.

- Tổng thời gian làm bài thi Năng khiếu báo chí: 150 phút. Bài thi Năng khiếu do Học viện ra đề và tổ chức chấm thi.

2.1.1.4. Xác định điểm trúng tuyển

- Ngành Báo chí, Quan hệ quốc tế: Xét điểm trúng tuyển theo ngành. Thí sinh trúng tuyển sẽ được phân chuyên ngành căn cứ vào nguyện vọng của thí sinh, kết quả học tập các học phần đại cương và cơ sở ngành, kết quả kiểm tra Năng khiếu chuyên ngành. Riêng thí sinh dự tuyển chuyên ngành Quay phim truyền hình, Báo ảnh được xác định chuyên ngành từ đầu khóa học, căn cứ nguyện vọng đăng ký trong hồ sơ dự thi và kết quả tuyển sinh.

- Các ngành Triết học, Kinh tế, Chính trị học xét điểm trúng tuyển theo chuyên ngành dựa trên tổng điểm các môn thi quy định cho từng nhóm ngành xếp từ cao xuống thấp. Các môn thi thuộc nhóm ngành 1, 2, 3tính hệ số 1, môn Tiếng Anh thuộc nhóm ngành 4tính hệ số 2.

- Trong mỗi đợt xét tuyển, 01 thí sinh được đăng ký tối đa 02 nguyện vọng vào Học viện. Các nguyện vọng được xét bình đẳng để xác định điểm trúng tuyển theo ngành/chuyên ngành.

2.1.2. Lịch xét tuyển, thi tuyển

- Đối với các nhóm ngành 2, 3, 4: Nhận hồ sơ xét tuyển theo lịch công tác tuyển sinh năm 2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Đối với nhóm 1 (ngành Báo chí): Nhận hồ sơ đăng ký dự thi qua đường bưu điện đến hết ngày 06/8/2016, đăng ký trực tuyếnhoặc nộp hồ sơ trực tiếp tại Học việnđến 17h00 ngày 08/8/2016. Tổ chức thi môn Năng khiếu báo chí vào ngày 10/8/2016, công bố danh sách thí sinh trúng tuyển vào ngày 13/8/2016.

Sau khi công bố kết quả xét tuyển đợt chính thức, nếu còn chỉ tiêu Học viện sẽ thông báo lịch xét tuyển đợt 2 trên website Học viện và qua các phương tiện thông tin đại chúng.

- Hồ sơ xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kèm theo bản photo công chứng học bạ 3 năm Trung học phổ thông.

Thí sinh chịu trách nhiệm về điều kiện nộp hồ sơ (học lực, hạnh kiểm) theo quy định của Học viện. Trong trường hợp thí sinh đạt điểm xét tuyển nhưng không đáp ứng yêu cầu về điều kiện nộp hồ sơ, Học viện không công nhận trúng tuyển.

2.1.3. Nhận hồ sơ xét tuyển

Thí sinh đăng ký nộp hồ sơ xét tuyển trực tuyến hoặc qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tạiđịa chỉ:

Phòng Tuyển sinh và Quản lý chương trình - Ban Quản lý Đào tạo,

Học viện Báo chí và Tuyên truyền, 36 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội.

2.1.4. Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh

Thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy hiện hành; thí sinh thuộc diện ưu tiên được cộng điểm theo mức điểm được hưởng vào tổng điểm chung để xét tuyển.

2.1.5. Lệ phí tuyển sinh

Theo Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Lệ phí đăng ký xét tuyển và lệ phí dự thi Năng khiếu nộp cùng Hồ sơ đăng ký xét tuyển.

2.2. Phân tích ưu, nhược điểm của phương án tuyển sinh

2.2.1. Ưu điểm của phương án tuyển sinh

- Việc phân chia các ngành, chuyên ngành theo nhóm ngành và xác định các môn thi cho từng nhóm ngành, xác định hệ số 2 cho môn Tiếng Anh thuộc nhóm ngành 3 dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng của nhóm ngành, về năng lực của sinh viên nhằm tạo thuận lợi cho sinh viên lĩnh hội kiến thức ngành, chuyên ngành trong quá trình học tập sau này.

- Việc yêu cầu thí sinh dự thi môn Năng khiếu báo chí một mặt góp phần tuyển chọn thí sinh đủ năng lực học tập tốt theo mục tiêu đào tạo của ngành; mặt khác hạn chế số lượng hồ sơ ảo. Những thí sinh tham dự bài thi Năng khiếu là những thí sinh thực sự có nguyện vọng theo học tại Học viện. Do đó, Học viện có thể chủ động trong khâu xác định điểm trúng tuyển và số lượng thí sinh trúng tuyển theo chỉ tiêu xác định.

2.2.2. Nhược điểm của phương án tuyển sinh

- Thí sinh dự thi ngành Báo chí vẫn phải trực tiếp tham dự một bài thi môn Năng khiếu tại Học viện.

- Với nhóm ngành 1, trong trường hợp xét tuyển lần đầu không đủ chỉ tiêu, Học viện bắt buộc phải tổ chức thêm kỳ thi môn Năng khiếu báo chí mới có thể xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

- Thí sinh nộp hồ sơ trực tuyến hoặc qua đường bưu điện có thể bỏ sót quy định về điều kiện nộp hồ sơ tuyển sinh (học lực, hạnh kiểm), dẫn đến tình trạng đạt điểm xét tuyển nhưng không trúng tuyển.

2.3. Các yếu tố đảm bảo chất lượng, sự công bằng của phương án tuyển sinh đã đề xuất

- Xét tuyển căn cứ kết quả thi THPT quốc gia: Mức điểm chuẩn trúng tuyển vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong 5 năm trở lại đây theo từng ngành đào tạo dao động ở mức trung bình khá trở lên. Đó là căn cứ để Học viện đề xuất phương án xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia.

- Hạnh kiểm xếp loại khá trở lên cả 3 năm THPT là yêu cầu bắt buộc để xét tuyển vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền, do đặc thù của Học viện vừa là trường đại học, vừa là trường Đảng duy nhất trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, luôn có yêu cầu cao về phẩm chất chính trị, đạo đức đối với người dự tuyển và coi trọng rèn luyện để nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống cho sinh viên.

- Quy định môn thi chính đối với các ngành nhóm 2 (môn tiếng Anh hệ số 2) căn cứ vào yêu cầu đặc thù về năng lực ngoại ngữ theo ngành đào tạo.

- Quy trình làm đề thi: thực hiện theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy hiện hành.

- Chấm thi: thực hiện theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy hiện hành.

+ Chấm thi trắc nghiệm khách quan: bằng máy chấm thi trắc nghiệm;

+ Chấm thi tự luận: thành lập Ban Chấm thi, tổ chức chấm thi theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Công tác bảo mật đề thi: thực hiện theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy hiện hành.

2.4. Điều kiện thực hiện phương án tuyển sinh

2.4.1. Điều kiện về nhân lực

Trong các kỳ thi tuyển sinh đại học từ năm 2003 trở về trước, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tổ chức thi môn Năng khiếu báo chí với các chuyên ngành Báo chí. Học viện có đủ đội ngũ chuyên gia và kinh nghiệm tổ chức ra đề thi, chấm thi môn Năng khiếu báo chí theo mục tiêu đào tạo của Học viện. Năm 2015 Học viện đã tổ chức thi Năng khiếu báo chí, tuyển được 485 thí sinh có chất lượng tốt. Việc tổ chức thi Năng khiếu báo chí được dư luận xã hội đánh giá cao, đáp ứng yêu cầu tuyển chọn sinh viên có đủ năng lực theo học và hoàn thành tốt chương trình đào tạo của Học viện theo ngành dự tuyển.

2.4.2. Cơ sở vật chất

Học viện Báo chí và Tuyên truyền có tổng diện tích đất 5,6 ha, diện tích sàn xây dựng là 49.500 m2. Để phục vụ việc giảng dạy và nghiên cứu, Học viện có hệ thống 95 giảng đường, phòng học với 1 giảng đường lớn sức chứa 800 chỗ; 1 giảng đường 200 chỗ; 2 giảng đường 100 chỗ; 4 giảng đường 60 - 180 chỗ; 87 phòng học có từ 30 - 60 chỗ. Tổng diện tích hội trường, giảng đường, phòng học các loại 13.500 m2; tổng diện tích thư viện, trung tâm học liệu 3.450 m2; tổng diện tích phòng thí nghiệm, phòng thực hành, xưởng thực tập, nhà tập đa năng 2.000 m2. Trên 80% số giảng đường và phòng học của Học viện được lắp đặt máy chiếu Projector để giảng viên sử dụng vào quá trình giảng dạy. Tất cả các giảng đường và phòng học đều được lắp đặt hệ thống tăng âm. Học viện có 04 phòng học ngoại ngữ, 08 phòng giảng dạy và thực hành máy vi tính. Ngoài ra, Học viện có phòng dựng phim, phòng máy photocopy, máy in siêu tốc, máy fax...

Học viện có trang Website được đưa lên mạng Internet và sử dụng các phần mềm tin học ứng dụng trong quản lý, khai thác các dữ liệu, tư liệu, tài liệu phục vụ cho nghiên cứu và học tập.

3. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

3.1. Nội dung công việc cần thực hiện

TT

Nội dung

Đơn vị chủ trì/phối hợp

Thời gian (dự kiến)

1

Tổ chức truyền thông (bao gồm cả truyền thông nội bộ (tập huấn, tuyên truyền cho đội ngũ giảng viên và cán bộ liên quan đến công tác tuyển sinh) và truyền thông bên ngoài (tới các ứng viên dự tuyển) về phương án tuyển sinh.

Ban Quản lý Đào tạo/Ban Tư vấn tuyển sinh/Các khoa đào tạo

 

2

Thành lập nhóm chuyên gia cập nhật, hoàn thiệnbộ đề thi năng khiếu

Ban Đề thi/Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo

 

3

Nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển, thông báo lịch thi môn Năng khiếu

Ban Thư ký Hội đồng tuyển sinh

 

4

Tổ chức thi môn Năng khiếu

Hội đồng tuyển sinh

10/8/2016

5

Chấm bài thi môn Năng khiếu

Ban Chấm thi

11/8- 12/8/2016

6

Xét trúng tuyển, gửi Giấy báo triệu tập thí sinh trúng tuyển nhập học

Hội đồng tuyển sinh/Ban Thư ký Hội đồng tuyển sinh

13/8/2016

7

Tổ chức thi để xét tuyển chỉ tiêu bổ sung (nếu có)

Hội đồng tuyển sinh/Ban Thư ký Hội đồng tuyểnsinh

 

 

3.2. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát

Học viện thành lập Ban Thanh tra tuyển sinh gồm những cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao, có uy tín đối với đồng nghiệp, có kinh nghiệm trong công tác thanh tra. Ban Thanh tra tuyển sinh chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nghiêm túc tất cả các khâu của công tác tuyển sinh, kịp thời phát hiện sai sót, vi phạm và đề xuất hình thức xử lý theo đúng quy định.

3.3. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan

- Nơi tiếp nhận thông tin khiếu nại, tố cáo liên quan đến các hiện tượng tiêu cực trong công tác tuyển sinh là Ban Thanh tra tuyển sinh.

- Trách nhiệm của người khiếu nại, tố cáo các hiện tượng tiêu cực phải cung cấp các bằng chứng cụ thể và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin.

- Ban Thanh tra tuyển sinh có trách nhiệm giữ bí mật danh tính người khiếu nại, tố cáo, bảo vệ nguyên trạng bằng chứng và xác minh tính xác thực của bằng chứng, báo cáo Giám đốc Học viện và đề xuất phương án xử lý phù hợp.

3.4. Chế độ thông tin, báo cáo

Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo trước, trong và sau khi kết thúc tuyển sinh theo quy định./.

                                                               GIÁM ĐỐC

 

 

                                                                                                                      (đã ký)

 

                                                                                                                                                     PGS, TS. Trương Ngọc Nam